Tháp Bánh Ít ở Quy Nhơn – Vẻ đẹp bí ẩn của kiến trúc Chăm cổ

Bên cạnh những bãi biển tuyệt đẹp, Quy Nhơn còn là nơi tọa lạc của một số tháp và đền thờ có từ thời vương quốc Chămpa cổ, trong đó phải kể đến tháp Bánh Ít với lối kiến trúc ấn tượng đầy huyền bí.

Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc, trong tiếng J'rai là YANG MTIAN. Đây là cụm các tháp cổ Chăm Pa nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Công trình này có giá trị văn hóa đậm nét trong kiến trúc của người Chăm ở khoảng cuối thế kỉ 11 – đầu thế kỉ 12, ngày nay tháp Bánh Ít là một điểm đến không thể bỏ qua trong những chuyến du lịch Quy Nhơn của nhiều du khách.

Tháp Banh Ít là quần thể di tích gồm 4 tòa tháp lớn nhỏ khác nhau nằm trên một ngọn đồi, cái tên tháp Bánh Ít được ra đời bởi khi nhìn từ xa quần thể này như những chiếc bánh ít được xếp cạnh nhau. Với những nét độc đáo trong kiến trúc cũng như các giá trị văn hóa mà nó đem lại, tháp Bánh Ít là một điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm khi đến Bình Định.

Đây cũng là niềm tự hào của người dân Bình Định bởi lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của người Chăm cổ, đầy nghệ thuật nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất này.

Cũng tương tự như những tháp người Chăm khác, tháp Bánh Ít được xây dựng hướng về phía Đông với 4 ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau. Tháp chính có kích thước lớn nhất nằm trên đỉnh đồi, xung quanh là 3 tháp nhỏ tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo, cổ kính đầy huyền bí. Tháp chính có độ cao lên tới 20m, lối đi vào được xây dựng nhô ra 2m và những vòm cong đặc trưng.

Tháp chính nằm giữa đỉnh đồi, bên cạnh là tháp Yên Ngựa.

Các tòa tháp được xây dựng từ những viên gạch đỏ thô ráp, bàn tay khéo léo của người xưa đã đẽo gọt để tạo nên vẻ đẹp mềm mại và hài hòa. Những chi tiết trang trí trong tháp cũng rất công phu và tỉ mỉ, đặc biệt là các bức phù điêu được tạc họa nhiều hình người đầu voi, khỉ đang nhảy múa vô cùng sinh động.

Tháp Yên Ngựa nằm kế bên tháp chính có độ cao 12m, rộng 5m, có lẽ vì phần mái tháp có hình cong như yên ngựa nên mới có cái tên như vậy.

Tháp chính, tháp Yên Ngựa ở trên đỉnh đồi, tháp phía Nam nằm thấp hơn một bậc.

Cách tháp chính khoảng 10m là tháp ở phía Nam trong quần thể, ngọn tháp này có kiến trúc mái hình bầu nậm và có 4 cửa hướng về 4 phía với ngụ ý hấp thu linh khí của đất trời.

Nằm ở vị trí thấp nhất là tháp cổng (cách tháp chính 100m), ngọn tháp được trang trí khá đơn giản và trông vô cùng vững trãi. Tháp có hai cổng vòm nhọn tựa như mũi lao đang hướng thẳng lên trời, hai cổng này nằm trên cùng một trục với tháp chính, theo hướng Đông – Tây để tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc tổng thể của quần thể tháp Bánh Ít.

Tháp cổng nằm ở vị trí thấp nhất trong quần thể.

Tuy quần thể tháp Bánh Ít không quá đồ sộ, chỉ vỏn vẹn 4 tháp nhưng sự đa dạng trong kiến trúc, sự độc đáo và khác biệt giữa cách tào tháp đã tạo nên vẻ đẹp ấn tượng mà vẫn hài hòa cho quần thể này.

Không gian thiên nhiên tươi mát cùng nét đẹp kiến trúc cổ kính, linh thiêng tại tháp Bánh Ít chắc hẳn sẽ mang tới cho chuyến du lịch Quy Nhơn của bạn thật nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu có dịp ghé Bình Định, bạn đừng bỏ lỡ quần thể kiến trúc Chăm cổ này nhé. 

(Nguồn ảnh: Instagram @benz.mind)

 
;