Từ 1.1.2025, tùy mức độ vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm không chỉ bị phạt số tiền lớn mà còn bị trừ điểm hoặc tước giấy phép lái xe (GPLX).
Từ 1.1.2025, tùy mức độ vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm không chỉ bị phạt số tiền lớn mà còn bị trừ điểm hoặc tước giấy phép lái xe (GPLX).
GPLX bị trừ tối thiểu 2 điểm, tối đa 10 điểm
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2025. Nghị định này sẽ thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).
Nghị định 168 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý về mức phạt. Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông được tăng mức phạt gấp nhiều lần so với hiện hành, như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, mở cửa xe không đảm bảo an toàn…

Nghị định 168 thay đổi mức phạt cao nhiều lần khi vi phạm giao thông so với hiện hành như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hoặc mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn quy định thêm hình phạt trừ điểm GPLX đối với tài xế vi phạm. Khi hết điểm để trừ, tài xế sẽ bị tước bằng lái.
Tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nêu rõ, điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Còn tại khoản 2 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, số điểm trừ trên GPLX mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Tùy theo tính chất vi phạm, lái xe sẽ bị trừ tối thiểu 2 điểm và tối đa 10 điểm (dự thảo trước đó là tối đa 12 điểm). Đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tước ngay GPLX", đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin.
Ví dụ với vi phạm nồng độ cồn, đối với người điều khiển ôtô, nếu vi phạm ở mức 1 (chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở), ngoài bị xử phạt hành chính còn bị trừ 4 điểm trong GPLX.
Ở mức 2 (vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) bị trừ 10 điểm.
Tuy nhiên, vi phạm ở mức 3 (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ tước ngay GPLX từ 22 - 24 tháng.
Đối với các trường hợp bị trừ hết điểm trong GPLX, sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Lực lượng CSGT sẵn sàng thực hiện quy định mới
Quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần tạo dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, người dân nên cập nhật kết nối GPLX với ứng dụng VNeID để có thể theo dõi số điểm và tình trạng của GPLX dễ dàng.
Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và ngành Công an.