Qua nhiều năm, những nét văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn, chúng không chỉ là di sản quý báu của quá khứ mà còn là cột mốc vững chắc, gắn kết tinh thần của người Việt, là nét đẹp văn hóa độc đáo mà mỗi người dân luôn tự hào mang theo trong lòng.
Tết là dịp những người con đi làm ăn xa trở về quê sum họp bên gia đình. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm. Qua nhiều năm, những nét văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn, chúng không chỉ là di sản quý báu của quá khứ mà còn là cột mốc vững chắc, gắn kết tinh thần của người Việt, là nét đẹp văn hóa độc đáo mà mỗi người dân luôn tự hào mang theo trong lòng.
1. Dọn dẹp nhà cửa
Vào dịp giáp Tết, mọi gia đình Việt đều có thói quen dọn dẹp nhà cửa để chào đón một năm mới. Bởi theo quan niệm xưa, việc lau dọn nhà cửa trước Tết là để dọn hết đi những bộn bề, không may mắn của năm cũ và mở cửa chào đón năm mới với nhiều niềm vui, may mắn, an khang và thịnh vượng.
2. Cúng ông Công ông Táo
Cúng ông Công ông Táo là một truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Theo truyền thuyết kể rằng ông Công là thần cai quản đất đai trong nhà, ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Đây là hai vị thần được ông trời phái xuống giám sát và ghi chép lại những việc làm thiện - ác của con người.
Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ba vị thần Táo cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo về hoạt động của con người trong năm qua, làm cho Thiên đình đoạt định công, tội. Trong tâm lý người Việt, ông Công cùng ba vị Thần Táo đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cát hung hay phước đức cho gia đình.
3. Thăm mộ tổ tiên
Từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp, con cháu thường tập trung đến thăm mộ tổ tiên. Đây không chỉ là việc sửa sang, dọn dẹp nghĩa làm để làm mới nơi nghĩa trang, mà còn là cách thể hiện lòng hiếu thảo sâu sắc và tri ân đối với tổ tiên đã qua.
4. Chơi hoa ngày Tết
Hoa không chỉ để trang trí mà còn là biểu tượng tuyệt vời của sự may mắn trong những ngày Tết của người Việt. Mỗi loại hoa mang theo mình một thông điệp riêng, tôn vinh sự hạnh phúc và thịnh vượng.
Ở miền Bắc, cành đào và cây quất thường được ưa chuộng. Đào hồng rực tượng trưng cho may mắn, còn cây quất càng nhiều quả thì biểu trung cho gia chủ sự phát đạt, tài lộc. Trái lại, ở miền Trung và miền Nam, cành mai vàng được ưu ái. Mai vàng đại diện cho sự cao quý, thịnh vượng của vua chúa thời phong kiến.
Mặc dù mỗi miền mang một sắc hoa khác nhau, nhưng tất cả đều lan tỏa thông điệp về sự may mắn, hạnh phúc và thành công cho gia đình trong năm mới. Hoa nở càng nhiều càng làm cho ngày Tết trở nên tràn đầy và đặc biệt hơn.
5. Gói bánh Chưng, bánh Tét
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 27 đến 29 Tết mọi gia đình sẽ ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh này.
Truyền thống này đã tồn tại từ thời vua Hùng và vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Mỗi gia đình gói vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng người thân và bạn bè, hoặc dùng trong bữa ăn Tết. Việc gói bánh không đơn giản là việc tạo nên một chiếc bánh mà đây còn là dịp để nhớ về cội nguồn, quây quần sum họp bên nhau, chia sẻ những việc đã làm trong một năm qua và hy vọng cho một năm mới tròn trịa, sung túc và thành công.
6. Bày mâm ngũ quả
Theo truyền thống, mâm ngũ quả ngày Tết thường có 5 loại quả khác nhau, tượng trưng cho 5 hành Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ và cũng là 5 ước nguyện về Phúc - Lộc - Thọ - Khang - An theo văn hóa Phương Đông. Tùy thuộc vào từng vùng miền, mâm ngũ quả có thể là những loại quả khác nhau, nhưng trên tất cả, nguyên tắc là phải đầy đủ và đẹp mắt.
7. Cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa là nghi lễ truyền thống được người Việt thực hiện mỗi dịp cuối năm. Ở mỗi vùng miền và địa phương có cách bài trí và lễ cúng khác. Tuy nhiên chung quy lại lễ cúng giao thừa vẫn mang ý nghĩa là một lời tạm biệt năm cũ và cầu cho năm mới sẽ có nhiều niềm vui, may mắn, an khang và thịnh vượng.
8. Xông đất đầu năm
Phong tục xông đất là một trong những nét đặc trưng quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Người xưa quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định một năm vui vẻ, phát đạt, bình an hay không may mắn cho gia chủ. Vì vậy, người được chọn để bước vào nhà đầu tiên, đó phải là người hợp tuổi và mang theo những lời chúc tốt lành đến với gia chủ.
9. Chúc Tết và lì xì đầu năm
Đây là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt từ xa xưa. Vào ngày mùng 1 Tết, mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết gia đình nội ngoại. Đem những lời chúc ý nghĩa nhất dành tặng cho người thân, mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ trong năm mới.
Phong bao lì xì, một biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết. Những phong bao nhỏ màu đỏ, chứa đựng những đồng tiền mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, hy vọng một năm mới thịnh vượng. Đây là cách người Việt thể hiện lòng biết ơn và mong muốn mang lại điều tốt lành cho nhau trong năm mới.
10. Đi lễ chùa đầu năm
Vào ngày đầu năm mới, các gia đình thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới nhiều may mắn và ấm no. Việc đi lễ chùa đầu năm còn là cách để thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với Đức Phật, tổ tiên, đây cũng là lúc mỗi người chúng ta gạt bỏ những phiền muộn, những điều không may mắn của năm cũ và chuẩn bị một tâm hồn đẹp cho việc bắt đầu một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành.
Hotline tư vấn: 1900 2323 85
<<Tham khảo>>